TRƯỜNG SƠN

Hội người Việt Nam tại Bỉ

Đề án hướng về đất nước Việt Nam:


  • Chương trình quyên góp, giúp đỡ trẻ em trường phổ thông dân tộc Văn Chấn‏ - Suối Giàng

Tháng 5, 2016

Hội Belunion cùng nhiều hội đoàn bạn tiếp tục thực hiện chương trình hoạt động từ thiện tại trường Tiểu học Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Đây là một hoạt động ý nghĩa và vô cùng thiết thực đạc biệt năm nay được Hội hữu nghị Việt - Bỉ ủng hộ và tham gia. Mục đích hoạt động từ thiện lần này nhằm phát triển giáo dục và giúp đỡ cho các trẻ em nghèo vùng cao tại trường Tiểu học Suối Giàng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thông qua việt tài trợ học bổng cho các học sinh giỏi. 

 

Tháng 9, 2014 - Suối Giàng 5

Chương trình giúp đỡ Trường Tiểu Học Suối Giàng đã đi vào Đợt 5. Chương trình Suối Giàng do BelUnion (Hội cựu sinh viên nghiên cứu sinh VN tại Bỉ) khởi xướng, cùng tham gia tiếp sức của Đoàn LHS7778 và Đoàn Trường Sơn (Bỉ) và hiện đã lan rộng tới nhiều trường của Văn Chấn. Chương trình năm này trọng tâm là đưa công nghệ IT vào giáo dục ở vùng cao.

Sáng 5/9/2014, đoàn đại biểu tới dự lễ khai giảng năm học mới và gửi tặng các món quà cho nhà trường và các học sinh của trường (máy chiếu, máy tính, vở, bút và kẹo bánh), đồng thời trao các phần thưởng cho các học sinh xuất sắc. Chương trình này còn có phần giúp các thầy cô và học sinh trồng Su Su để cải thiện bữa ăn nội trú.


Tháng 12, 2013 - Suối Giàng 4

Chương trình giúp đỡ trẻ em Trường Tiểu Học Suối Giàng tiếp tục với chuyến đi Văn Chấn của đoàn BelUnion hôm 15/12/2013.

Quà của BelUnion gồm 800 cuốn vở, 480 bút chữ A, 420 tất chân, bánh kẹo các loại, 17 suất học bổng, và số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng. Chuyến thăm này, đoàn cũng không quên thăm vườn su su do BelUnion tài trợ. Dù hết mùa những giàn su su vẫn còn xanh tốt. Chuyến đi đã thành công tốt đẹp. 


Tháng 8, 2012 - Suối Giàng 3 

Tiếp tục chương trình hỗ trợ Trường Tiểu Học Suối Giàng : Phát phần thưởng cho học sinh giỏi, trao quà cho trường (ăng ten TV, micro, hạt giống su su), mua quà, tặng quà cho các cháu (dụng cụ học tập, cho giấy mầu, bút...). Để bền vững lâu dài, trường sẽ làm giàn để trồng su su, và lên kế hoạch nuôi gà, bổ sung dinh dưỡng cho các cháu học sinh.


Tháng 8, 2011.

Mục đích chương trình : quyên góp, giúp đỡ trẻ em một trường cấp 1 ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Trường tiểu học này nằm nằm rải rác trên địa điểm (Văn Chấn, Tập Lăng, Suối Lóp, Kang Kỷ). Trường có 274 học sinh, trong đó có 91 học sinh các bản xa ở nội trú. Trường hiện nay vô cùng thiếu thốn về cơ sở vật chất, hầu hết gia cảnh rất khó khăn, cảnh nhà éo le. Hàng ngày các em học sinh phải đi bộ hơn chục km đường rừng để đến trường học, những ngày trời mưa thì các em không thể đến lớp.

Dự án bao gồm việc mua sách vở, quần áo, bút viết, thước kẻ cho các em học sinh, cặp sách cho giáo viên và chăn chiếu mùng cho nội trú ... Dự án này được khởi xướng bởi Belunion, Hội cựu sinh viên nghiên cứu sinh VN tại Bỉ. Trường Sơn tham gia đóng góp cho chương trình này.


  • Kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Huyền thoại Côn Đảo

Nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cho đoàn kiều bào và cán bộ công chức người lao động của cơ quan về thăm Côn Đảo. Chuyến đi chỉ vỏn vẹn trong hai ngày ( từ ngày 17-19/04/2014) nhưng đã để lại cho đoàn nhiều cảm xúc.

Đoàn đã đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ nhà lãnh đạo cách mạng Lê Hồng Phong, hy sinh sau ngày Nam kỳ khởi nghĩa, thăm mộ người trí thức cánh tả Nguyễn An Ninh đi học ở Pháp về rồi hoạt động công khai chống Pháp bằng lý lẽ của một người cộng sản, thăm mộ chị Võ Thị Sáu đơn giản mà trang trọng và gợi lên nhiều bồi hồi cảm xúc với ba tấm mộ bia nghĩa tận nghĩa tình.

Cũng trong chuyến đi lần này, đoàn đã có dịp đến thăm và giao lưu với cán bộ và chiến sỹ Đại đội pháo binh 10. Những tiết mục văn nghệ “ cây nhà lá vườn” cùng với những câu chuyện kể thân tình như thắt chặt thêm tình cảm quân dân.

Côn Đảo với hình ảnh người chiến sỹ cộng sản Võ Thị Sáu sẽ ở mãi trong trái tim của người dân Việt Nam. Và hôm nay, Côn Đảo không còn là bảo tàng lịch sử mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

theo Thu Ngân (UBVK)


  • Trường Sa trong lòng Tổ quốc
Hành trình đến Trường Sa thân yêu

Từ ngày 16/4 đến ngày 25/4/2013, Đoàn đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố do đồng chí Dương Quan Hà – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố làm trưởng đoàn, đã đến thăm nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK. Đoàn có 74 thành viên gồm các uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố (trong đó có ông Ðỗ Tấn Sĩ, nguyên chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bỉ), nhân sĩ, trí thức; chức sắc các tôn giáo, lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện; anh chị em văn nghệ sĩ thuộc Đội văn nghệ xung kích của Sở Văn hoá Thể thao Du lịch thành phố HCM và phóng viên các Báo Đài.

Đoàn đã được nghe cán bộ, chiến sĩ báo cáo tình hình xây dựng đơn vị, các hoạt động giữ gìn biển đảo, các hoạt động giúp ngư dân bám biển khai thác thủy hải sản. Ở đâu cũng đều thấy các chiến sĩ đã vượt qua phong ba bão táp để xây dựng đơn vị vững mạnh, trong muôn vàn khó khăn xong tất cả đều rất lạc quan, sáng tạo tổ chức đời sống rất chu tất, …

Tại đảo Trường Sa Lớn, Đoàn đã dự lễ chào cờ cùng Quân dân trên đảo; tổ chức Lễ tưởng niệm tại Đài Liệt sĩ, thắp hương mộ Liệt sĩ, viếng nhà tưởng niệm Bác Hồ; thăm Chùa và các công trình văn hóa trên đảo. Lễ tưởng niệm đầy xúc động, trong lòng mỗi người đều dâng lên niềm cảm kích, tự hào về các chiển sĩ Trường Sa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đoàn cũng hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa đội văn nghệ xung kích với cán bộ, chiến sĩ và các thành viên trong đoàn; thời gian giao lưu tuy ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình Dân-Quân, để lại những tình cảm ấm áp, khó quên trong lòng cán bộ, chiến sĩ và các thành viên trong đoàn.

Trong chuyến đi này, đoàn đã thăm và tặng quà cho Quân chủng Hải quân, cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân trên thị trấn Trường Sa… tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

Thời tiết trong quá trình đoàn đi được thiên nhiên ưu đãi nên tất cả đại biểu đều lên được các đảo, kể cả nhà dàn mặc dù thành phần trong đoàn có cả những đại biểu tuổi đã ngoài 70. Chuyến đi đã kết thúc tốt đẹp, kết quả có thể gọi là ngoài mong đợi, thấm đượm tình quân dân, hậu phương và tiền tuyến. Chuyến đi đã để lại trong mỗi đại biểu nhiều cảm xúc, ấn tượng sâu sắc đó là: lòng dũng cảm, bản lĩnh, ý chí quyết tâm và sẵn sàng hy sinh của cán bộ chiến sĩ trên các đảo, nhà dàn để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Trần Tấn Hùng và Lê Văn Thu
Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM


  • Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tại Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2012, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (LHCTCHNVN) và Hội hữu nghị Việt – Bỉ đã có buổi gặp gỡ thân mật với đoàn đại diện Hội người Việt Nam tại Bỉ và nhóm Trường Sơn.

Tham dự buổi tiếp có Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch LHCTCHNVN; ông Phạm Mạnh Cổn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt – Bỉ, và chị Ngân đại diện ban châu âu LHCTCHNVN. Tại buổi tiếp, Chủ tịch Vũ Xuân Hồng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của LHCTCHNVN trong việc thúc đẩy những sinh hoạt gắn bó trong cộng đồng người Việt và củng cố quan hệ hữu nghị Bỉ - Việt.

Anh Lân đại diện Hội người Việt Nam tại Bỉ thông tin về HNVNTB và Hội Hữu nghị Bỉ –Việt (Association Belgique-Vietnam) là hai tổ chức truyền thống được thành lập vào năm 1973 tại Bruxelles. Trong suốt 40 năm qua hai Hội đã không ngừng hoạt động tổ chức phát triển và duy trì nhiều sinh hoạt phục vụ cộng đồng, cũng nhu xây dựng và củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Bỉ và Việt Nam. Hội người Việt Nam tại Bỉ luôn phát huy tinh thần đòan kết, tưong trợ trong cộng đồng, gốp phần vào việc xây dựng đát nước, đồng thời giao lưu nhằm đẩy mạnh mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước. Kết thúc buổi gặp gỡ, hai bên đã trao đổi được nhiều thông tin hữu ích.


  • Đoàn Viện Hồ Chí Minh thăm Hội Người Việt Nam tại Bỉ

Ngày 27/03/2011 tại Hội quán 49 rue Emile Banning, Bruxelles, Hội người Việt Nam tại Bỉ (Hội Người Việt) đã hân hạnh đón tiếp đòan "Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng" do PGS. TS. Phạm Hồng Chương, phó Chủ nhiệm Chương trình sưu tầm tài liệu và viết tiểu sử các lãnh đạo tiền bối của Đảng và Nhà Nước làm trưởng đòan, nhân dịp đoàn sang Châu Âu nghiên cứu khảo sát hệ thống các điểm di tích và một số trung tâm lưu trữ tài liệu về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Pháp.

Đoàn đã ân cần thăm hỏi Hội, trình bày về hoạt động của Viện và chương trình tổ chức kỷ niệm 100 năm Bác Hồ tìm đường cứu nước (1911-2011) và 65 năm ngày Bác Hồ đến Pháp lần cuối trong cương vị thượng khách của nước Cộng hòa Pháp (năm 1946). Đoàn quan tâm đến việc tìm lại bút tích sự kiện Bác Hồ có thể đã đến Bỉ dự Hội nghị các dân tộc bị áp bức năm 1927 và mong Hội giúp tìm lại tài liệu liên quan đến sự kiện này.

Hội Người Việt hứa sẽ nỗ lực tìm kiếm các tài liệu liên quan, đồng thời kể lại sơ lược qúa trình hình thành và họat động của phong trào sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ từ năm 1968 cho đến khi chính thức thành lập Hội năm 1973; họat động của Hội trong các thập niên 70-80-90 với những chương trình đóng góp về chính trị, xã hội, y tế và khoa học hướng về đất nước. Đòan cũng nghe trình bày về thế hệ 2 trong Hội với các họat động gíup nạn nhân chất độc màu da cam-dioxine, tổ chức văn nghệ, dạy nấu ăn, sinh họat hè, v..v..từ năm 2002 đến nay.

Hôi đã tặng cho đoàn băng ghi hình ảnh đêm văn nghệ Tết truyền thống Tân Mão 2011 cho cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ do đoàn văn nghệ Trường Sơn của Hội thực hiện với sự giúp đỡ của thị xã Ixelles, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM.

Tuy thời gian trao đổi ngắn ngủi, các Hội viên Hội Người Việt tham dự đã học hỏi được khá nhiều về lịch sử công cuộc tìm đường cứu nước của Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng Việt Nam. Ngược lại Đoàn cũng đã biết thêm phần nào về phong trào sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ, lắng nghe ý kiến của các Hội viên, những đề nghị hết sức cụ thể nhằm làm cho việc đóng góp của trí thức, doanh nhân kiều bào hướng về Tổ quốc được nhiều kết quả hơn hiện nay. 


  • Quỹ Bảo trợ “Vì trẻ em nghèo Phú Thọ”

Tháng 4, 2009. Giỗ tổ Hùng Vương là ngày đại lễ cúng tổ tiên lớn nhất của cả dân tộc. Vào dịp 10/3 (Âm lịch) hàng năm, con cháu muôn phương tụ hội về, ghi nhớ công ơn tổ tiên đã có công khai sinh lập nước.

Chương trình “Doanh nhân về với đất Tổ Vua Hùng” mang ý nghĩa văn hóa tâm linh, hướng về nguồn cội, phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Nhân dịp này, Hội Người Việt Nam tại Bỉ đã đề cử đại biểu tham gia và đã ủng hộ quỹ “Vì trẻ em nghèo Phú Thọ” , trao tặng nhiều suất học bổng cho trẻ em nghèo và các phần quà cho gia đình khó khăn trên địa bàn Phú Thọ. 


  • Cứu Trợ lũ lụt - thiên tai

Hội nguời Việt Nam tại Bỉ tổ chức bữa cơm từ thiện quyên góp tiền ủng hộ đồng bào bị bão lụt.

Ngày 31-10, tại Brúc-xen, Hội Người Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức bữa cơm từ thiện để quyên góp tiền ủng hộ đồng bào miền Trung và Tây Nguyên nạn nhân của cơn bão số 9 (Ketsana ) vừa qua.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Chu Sơn Hợp, chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Bỉ đã nhấn mạnh hoạt động của Hội là xuất phát từ tấm lòng của bà con Việt Kiều tại Bỉ luôn hướng về Tổ quốc, trên tinh thần "tương thân tương ái", sẵn sàng nhường cơm xẻ áo giữa những người đồng bào với nhau mỗi khi gặp hoạn nạn, khó khăn. Ông khẳng định bà con Việt Kiều đang sinh sống, làm việc và học tập tại Bỉ luôn luôn tâm niệm phải gìn giữ truyền thống của người Việt Nam là "lá lành đùm lá rách", "máu chảy ruột mềm".

Cứ mỗi khi trong nước gặp thiên tai, hoạn nạn là bà con lại đau đáu hướng về người thân trong nước, sẵn sàng đóng góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ những đồng bào nạn nhân thiên tai vượt qua được khó khăn, với hi vọng có thể hàn gắn được phần nào những mất mát của bà con.

Bữa cơm từ thiện này được tổ chức trên tinh thần tự nguyện, mỗi người tham gia đều có những cách đóng góp riêng tùy vào từng hoàn cảnh,người góp công, người góp của, người không có điều kiện thời gian thì đóng góp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào quỹ hội.

Thông qua đó Hội đã quyên góp được 1400 ơ-rô để ủng hộ đồng bào bị bão lụt. Đây là đợt quyên góp lần thứ hai của Hội Người Việt Nam tại Bỉ trong vòng hai tuần qua. Trước đó, trong đợt quyên góp đầu tiên, Hội đã thu được 1000 ơ-rô, và thông qua Đại sứ quán Việt Nam gửi về nước để ủng hộ các nạn nhân bão lụt. Tổng cộng cả hai đợt, bà con đã quyên góp được 2400 ơ-rô phục vụ mục đích từ thiện này./.

Thúy Viên - Đăng Khoa (TTXVN)


  • Chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa"

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gồm những hòn đảo nằm ngoài khơi của miền Trung và Nam Việt Nam. Trên đa số những đảo ấy không có cây cối và nguồn nước ngọt.

Nhằm cải thiện cuộc sống vô cùng cực nhọc của các chiến sĩ Việt Nam đang ngày đêm bảo vệ Trường Sa, báo Thanh Niên đã mở một cuộc vận động cho chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa.”

Chương trình này có mục đích quyên góp tiền để mua những thiết bị cung cấp nước ngọt cho những người lính đảo, cụ thể là thiết bị lọc nước mặn thành nước ngọt Power- Survivor-160, chạy bằng năng lượng gió và mặt trời, mỗi đơn vị có khả năng cung cấp 25 lit nước ngọt mỗi giờ.

Tại Bỉ, nhiều hội đoàn và cá nhân đã hưởng ứng lời kêu gọi của báo Thanh Niên, trong đó có Hội Người Việt Nam tại Bỉ, Ðoàn Văn nghệ Trường Sơn của Hội, Hội hữu nghị Bĩ-Việt Nam.”

Ðợt quyên góp “Nước ngọt cho Trường Sa” tại Bỉ còn nhằm ủng hộ một cách thiết thực lập trường của chính phủ Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.